LUẬT GIỮA VÒNG VÂY LỢI ÍCH
TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Cũng vì việc vận động diễn ra công khai mà xã hội, tức là công luận, người dân có điều kiện theo dõi và giám sát việc cân nhắc, lựa chọn của người nắm quyền lực công giữa các phương án xây dựng, áp dụng pháp luật khác biệt.image Dùng thế lực để chi phối việc làm luật cũng như việc thi hành luật là hiện tượng xã hội ở đâu thời nào cũng có: đơn giản, ai cũng muốn luật pháp phục vụ hơn là gây khó khăn cho mình.
Tuy nhiên, trong điều kiện các lợi ích được theo đuổi rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau, sự tác động từ bên ngoài đối với người làm luật, người thi hành luật có thể mang dáng dấp của một cuộc tranh giành loại trừ: người được, thì kẻ mất; ở đây có người được đãi ngộ, nuông chiều, thì hẳn đồng thời ở đằng kia có người khác bị ruồng bỏ, bạc đãi. Chẳng hạn, bằng việc cho phép doanh nghiệp xăng dầu tăng giá bán, nhà chức trách đặt người tiêu dùng trong tình trạng buộc phải chi thêm (nghĩa là mất) một số tiền để mua cũng chừng đó nhiên liệu; phê duyệt một dự án quy hoạch xây dựng sân golf trên một vùng đất ruộng cũng đồng nghĩa với việc từ chối duy trì quyền canh tác, quyền định cư của những người nông dân đang sống trên đất đó.
Nếu cứ để mặc cho cuộc chơi dưới sự thống trị của quy luật hoang sơ “mạnh được, yếu thua”, thì sớm muộn gì các vùng đất “làm luật” và “thi hành luật” sẽ bị phe mạnh nhất đánh chiếm; hệ thống pháp lý tất yếu sẽ đi đến chỗ bị phân đôi, tương ứng với sự phân đôi của xã hội thành bên thắng, bên thua: quyền lợi và sự bảo đảm sẽ được ưu tiên dành cho một bộ phận thành viên có sức mạnh khống chế, còn gọi là tầng lớp trên; còn nghĩa vụ, rủi ro chủ yếu trút lên vai những thành viên yếu hơn, ở tầng lớp dưới. Người giàu có thể vào nhà người nghèo chẳng cần xin phép; còn người nghèo mà tự tiện đi vào đất của người giàu thì coi chừng bị chó dữ cắn chết, như trường hợp chết bi thảm của người phụ nữ mót cà phê mà báo chí và dư luận đề cập thời gian gần đây.
Dễ hiểu tại sao trong các xã hội được tổ chức kém, càng giàu và địa vị càng cao thì bổng lộc, đặc ân càng dễ đến, thừa mứa; trái lại, càng nghèo và thân phận càng thấp hèn thì gánh nặng chi phí cho kiếp phù sinh càng gia tăng, một cách đầy nghịch lý.
Tất nhiên, con người chẳng bao giờ tự giác từ bỏ những lợi ích được cho là xứng đáng thuộc về mình. Một khi luật đi ngược lại nguyện vọng của chủ thể, thì không thể có chuyện tuân thủ luật với tinh thần tự giác. Rõ hơn, muốn một quy tắc pháp lý bất lợi được thực hiện thì phải dùng cơ chế cưỡng bách. Song, luật mà chỉ hoặc chủ yếu dựa vào sự ép buộc để được bảo đảm thực hiện, suy cho cùng, chẳng còn là luật nữa mà chỉ là một thứ bạo lực. Vậy cũng có nghĩa rằng luật pháp bất công không bao giờ có thể là công cụ kiến tạo trật tự xã hội bền vững.
Vấn đề số một đối với người làm luật, người thực hành luật trong Nhà nước pháp quyền, vấn đề là làm thế nào để luật dung hoà được các lợi ích trái ngược và được thực thi phù hợp với tinh thần của nó.
Điều chắc chắn là không thể cấm người ta tìm cách vận động với người làm luật hay người thi hành luật nhằm có được chuẩn mực hoặc giải pháp áp dụng chuẩn mực có lợi cho mình. Nhưng, cần phải biết cách tổ chức các giao tiếp này diễn ra trong vòng trật tự theo các luật chơi sòng phẳng, minh bạch.
Ở các nước tiên tiến, các cuộc vận động của các nhóm lợi ích đối với cơ quan nhà nước được hợp pháp hoá và được tiến hành công khai, thậm chí được chuyên môn hoá nhờ vai trò của các tổ chức vận động chuyên nghiệp. Người nghèo, thấp cổ bé miệng không yếu thế trong khung cảnh đó. Họ có thể đề đạt nguyện vọng của mình thông qua vai trò của các tổ chức xã hội mà họ là thành viên, nhờ đó có được tiếng nói đến tai người có thẩm quyền, nhất là không dễ bị lấn át bởi những tiếng nói khác được khuếch đại bằng năng lượng của quyền lực, của đồng tiền hoặc cả hai.
Cũng vì việc vận động diễn ra công khai mà xã hội, tức là công luận, người dân có điều kiện theo dõi và giám sát việc cân nhắc, lựa chọn của người nắm quyền lực công giữa các phương án xây dựng, áp dụng pháp luật khác biệt. Điều đó khiến cho việc ra quyết định đầy thiên lệch không còn dễ thực hiện như lúc người ta có quyền lựa chọn một cách lặng lẽ, kín đáo.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ
Trích dẫn từ:
http://sgtt.com.vn/detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=64093&fld=HTMG/2010/0311/64093