Chấm dứt kỷ nguyên của Thatcher
(CafeF)
“Người dân Anh không còn tin vào từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Cuộc thử nghiệm 30 năm qua rõ ràng đã thất bại – và họ muốn tìm một con đường khác.”
Margaret Thatcher phát biểu như vậy vào ngày 3/5/1979, trước cuộc tổng tuyển cử thắng lợi đầu tiên. Nhưng khi đang tiến gần đến lễ kỷ niệm 30 năm ngày Người đàn bà thép bước vào phố Downing, nhiều người Anh một lần nữa đi đến kết luận “cuộc thử nghiệm 30 năm qua” lại “rõ ràng đã thất bại”. Tuy vậy, lần này, đó là cuộc thử nghiệm chủ nghĩa Thatcher.
Kỷ nguyên Thatcher khép lại là một thời khắc quan trọng với toàn thế giới. Nhiều chính sách mà chính phủ của bà đi tiên phong tại Anh đã được cả thế giới học theo: tư nhân hóa, tự do hóa, cắt giảm thuế, bãi bỏ kiểm soát ngoại hối, và tấn công vào sức mạnh của công đoàn, ca ngợi việc tạo ra của cải thay vì phân chia của cải ấy cho công bằng.
Thủ tướng Thatcher nắm quyền 18 tháng trước Tổng thống Ronald Reagan và cả hai nhanh chóng tìm thấy điểm chung. Nhưng chiến thắng thực sự là khi tư tưởng Thatcher bén rễ ở những nơi tưởng chừng như không thể - Liên Xô và Pháp.
Đầu những năm 1980, khi Thủ tướng Thatcher đi tiên phong trong tư nhân hóa, nước Pháp dưới thời Tổng thống President François Mitterrand đang đẩy mạnh quốc hữu hóa hàng loạt ngân hàng và tập đoàn công nghiệp.
Nhưng khi bà kiên định con đường chính sách thị trường tự do, Tổng thống Mitterrand buộc phải chuyển hướng vào năm 1982. Vào cuối thời gian tại nhiệm, chính ông cũng chủ trương tư nhân hóa.
Cho đến cuối kỷ nguyên Thatcher, những cải cách thương mại tự do đã được Trung Quốc, Đông Âu, Ấn Độ và Liên Xô học theo. Trong chuyến thăm cuối cùng trên cương vị thủ tướng tới Nga, Thatcher nửa đùa nửa thật rằng vị thị trưởng Moscow mới (Boris Yeltsin) có vẻ như là người đi theo cố vấn kinh tế của bà, Milton Friedman.
Hai trong số những cố vấn thân cận nhất của bà xuất bản cuốn sách với tiêu đề đầy hoa mỹ Tư nhân hóa thế giới. Chính bà cũng hoan hỉ nói: “Mọi người không còn lo mắc phải căn bệnh nước Anh. Giờ họ đang xếp hàng để nhận liều thuốc từ nước Anh.”
Nhưng, gần 20 năm sau ngày bà rời phố Downing, kinh tế Anh lại một lần nữa gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Gần như mọi thứ Thatcher từng chống lại – quốc hữu hóa, tăng thuế, kinh tế học theo Keynes – nay đang được ưa chuộng. Những chính sách và thành quả ghi dấu thời đại Thatcher đang dần bị xóa nhòa khỏi nước Anh.
Quyết định nổi tiếng cắt giảm mức thuế cao nhất xuống 40% của bà đã bị bãi bỏ. Mức thuế cao nhất được thông báo tuần trước là 50% - và thăm dò dư luận cho thấy thay đổi này rất được lòng dân. Nước Anh giờ đang quốc hữu hóa những ngân hàng lớn nhất, như những gì nước Pháp từng làm dưới thời Mitterrand.
Không có cải cách nào tiêu biểu hơn cho tinh thần của kỷ nguyên Thatcher như quyết định tự do hóa tài chính “Big Bang” năm 1986, mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của khu City of London. Nhưng khu vực này đang hứng chịu chỉ trích dữ dội và người ta đang chạy đua để thắt chặt hoạt động của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Thatcher từng tuyên bố “không in thêm tiền nữa.”
Nhưng giờ máy in lại chạy – có khác là ngày nay họ gọi đó là “nới lỏng định lượng”. Bị bác sỹ cấm phát biểu trước công chúng, Quý bà Thatcher nay không thể bảo vệ cho những di sản cũng mình hay chỉ dẫn cho số người vẫn còn tin theo.
Chủ nghĩa Thatcher cũng không còn được quốc tế ưa chuộng. Khi Nicolas Sarkozy được bầu làm Tổng thống Pháp năm 2007, ông nửa úp nửa mở rằng mình là Thatcher của nước Pháp. Nhưng giờ ông ta lại chụp ảnh với tay lật giở cuốn Tư bản luận. Thatcher tôn sùng những tập đoàn tự do của Mỹ. Nhưng Tổng thống mới của Mỹ lại đam mê hệ thống xã hội châu Âu đến lạ lùng.
Có lẽ điều đau đơn nhất là chủ nghĩa Thatcher đã mất đi nền tảng đạo đức của mình. Người đàn bà thép từng tuyên bố hơi quá rằng: “Kinh tế học là phương pháp. Muc đích là thay đổi linh hồn.” Ý bà muốn người Anh phục hồi lại các giá trị đạo đức truyền thống như cần cù và tiết kiệm. Xã hội “không công” đã thôi tồn tại.
Nhưng tư tưởng của thời đại Thatcher tái lập mối liên hệ giữa nỗ lực và đền đáp nay đã bị những tay trùm ngân hàng đẩy công ty của mình vào cảnh phá sản nhưng vẫn nhận hàng triệu bảng tiền thưởng và lương hưa phá hoại.
Chủ nghĩa Thatcher cũng gặp vấn đề tương tự trên bình diện quốc tế. Quá trình tư nhân hóa tại Nga tạo thời cơ cho một tầng lớp đầu sỏ chính trị mới vơ mọi tài sản về mình. Sự bất bình về lương thưởng cho giới quan chức tập đoàn đã từ lâu âm ỉ trong lòng nước Mỹ.
Phải chẳng kỷ nguyên Thatcher đã thực sự chấm dứt? Những biến động kinh tế và hay đổi chính sách gần đây cho thấy, điều đó là chắc chắn.
Nhưng vẫn còn chỗ cho nghi ngờ. Khi Thatcher nắm quyền, bà và những cố vấn của mình đã suy nghĩ hàng năm trời về những chính sách và tư tưởng mình sẽ theo đuổi. Ngược lại, những lãnh tụ chính trị của ngày hôm nay đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng với tất cả những gì mình có trong tay. Quyết định quốc hữu hóa ngân hàng và in thêm tiền là những biện pháp khẩn cấp – không phải là sản phẩm của một chương trình chính trị hay nghiên cứu kỹ lưỡng.
Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Thatcher là: “Không có đường khác.” Cho đến nay, chưa có nhân vật chính trị lớn nào tại Anh hay thế giới phương Tây thực sự tìm ra một con đường thay thế cho những nguyên tắc thị trường tự do của chủ nghĩa Thatcher. Cho đến lúc đó, chưa thể quả quyết kỷ nguyên Thatcher đã thực sự chấm dứt.