Chính sách kích cầu 1 tỷ USD liệu có phát huy hết tác dụng?
(CafeF) - Bù lãi suất về bản chất là kích cung (tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp) chứ không phải kích cầu (tăng tiêu dùng, đầu tư) như các nhà hoạch định chính sách mong đợi.
Kích cầu hay kích cung?
Báo chí dồn dập đưa tin lãi suất cho vay của các ngân hàng đang đua nhau giảm từng ngày.
Chính sách kích cầu bằng việc bù lãi suất 4% của chính phủ đang phát huy tác dụng trong việc kích thích doanh nghiệp đua nhau nộp hồ sơ xin vay bù lãi suất.
Chỉ trong 3 ngày đầu khởi động chương trình cho vay bù lãi suất, lượng hồ sơ xin vay với lãi suất được ưu đãi đã chất cao tại các ngân hàng.
Trong khi kinh tế Việt Nam đang trên đà suy giảm, chính sách kích cầu lên tới 1 tỷ USD tiền tươi thóc thật nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất vay được vốn với chi phí rẻ liệu sẽ phát huy hết tác dụng của nó?
Những nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng với gói kích cầu bù lãi suất này sẽ tạo động lực giúp các các doanh nghiệp đầu tư thêm máy móc trang thiết bị, sản xuất ra nhiều hàng hóa, cung cấp thêm nhiều dịch vụ nhằm chặn đứng đà suy giảm kinh tế do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mang lại.
Chính sách kích cầu được áp dụng khi kinh tế suy thoái về cơ bản là tốt về mặt hình thức khi đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân cũng như nhà nước.
Nhưng kích cầu bằng chính sách bù lãi suất về bản chất là kích cung (tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp) chứ không phải kích cầu (tăng tiêu dùng, đầu tư) như các nhà hoạch định chính sách mong đợi.
Nguyên nhân chính của việc suy giảm (hay suy thoái) kinh tế hiện nay ở Việt Nam chính là đầu ra của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đang sụt giảm nhanh chóng (chủ yếu là do xuất khẩu giảm).
Biểu hiện của suy thoái kinh là sức mua giảm, tiêu dùng giảm, tỷ lệ tiết kiệm tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, sản xuất giảm, đầu tư giảm... Một vòng lẩn quẩn của suy thoái kinh tế mà bất kỳ quốc gia nào cũng gặp phải.
Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng hàng ngày là vấn đề đáng được các nhà hoạch định chính sách theo dõi. Theo thống kê của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, trong tổng số 34,8 triệu lao động có việc làm ở nông thôn (chiếm 75% lực lượng lao động toàn xã hội), có tới 71,6% là lao động giản đơn, 81% số lao động nông thôn chưa qua đào tạo.
Tỷ lệ thất nghiệp nông thôn tăng cao chưa từng có sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội nếu chính phủ không quan tâm giải quyết vấn đề. Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho phóng viên báo Tiền Phong biết:
“Cả nước có gần 3.000 làng nghề, với hơn 11 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp hoặc làm thêm lúc nông nhàn... Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thoi thóp.
Năm 2009, sẽ có trên 50% doanh nghiệp làng nghề phải giải thể, kéo theo khoảng năm triệu lao động mất việc làm, sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội”.
Thất nghiệp ở nông thôn sẽ kéo theo thu nhập thực tế của người dân khu vực nông thôn giảm, sức mua của khu vực nào sẽ giảm theo và ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ lan tỏa đến khu vực thành thị, nơi mà hàng hóa tiêu dùng sản xuất trong nước một phần không nhỏ được tiêu thụ tại thị trường nông thôn.
Khi sản xuất ở khu vực thành thị giảm sẽ kéo theo một hệ quả không ai mong muốn đó là tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị sẽ tăng lên. Khi đó, cái vòng lẩn quẩn của suy thoái kinh tế bắt đầu hình thành.
Đảm bảo sức mua
Để đối phó với suy thoái kinh tế, một trong những chính sách kích thích kinh tế hiệu quả mà chính phủ cần phải làm đó là đảm bảo sức mua của nền kinh tế. Người dân sẽ không thể mua hàng hóa (kể cả những hàng hóa cần dùng nhất trong cuộc sống hàng ngày) nếu không có tiền.
Thu nhập giảm sút một cách nghiêm trọng do thất nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến sức mua của người dân giảm sút một cách nhanh chóng. Chính phủ cần phải có biện pháp một cách nhanh chóng và kịp thời để ngăn chặn tình trạng này trước khi quá muộn.
Một trong những bài học giúp tăng sức mua của người dân mà chính phủ Đài Loan đã thực hiện đó là để kích thích tiêu dùng Đài Loan sẽ phát cho mỗi người dân của mình, không phân biệt tuổi tác và thu nhập, một coupon trị giá TWD3500 ($109).
Người dân Đài loan có thể dùng coupon này mua sắm hàng hóa và dịch vụ tại các cửa hàng của Đài loan trong năm 2009.
Tuy nhiên, kinh tế gia Lê Hồng Giang cũng chỉ ra rằng: Ý tưởng này thực ra đã được Nhật thực hiện năm 1999 và lịch sử cho thấy nó không có tác dụng là mấy. Bởi vì vấn đề là người dân Đài Loan nhận được $109 này không có nghĩa là họ sẽ tăng tiêu dùng lên đúng bằng con số đó.
Sẽ có rất nhiều người dùng coupon để mua hàng hóa và dịch vụ nhưng lại tiết kiệm bớt từ thu nhập của mình một số tiền tương đương. Do vậy ảnh hưởng vào tiêu dùng gộp (aggregate consumption) sẽ không lớn y hệt như trường hợp giảm thuế.
Biện pháp nhanh chóng nhất mà nhiều kinh tế gia đề xuất cho chính phủ Trung Quốc cũng như Việt Nam là đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Với một quốc gia đặc thù như Việt Nam, việc đầu tư chủ yếu tập trung vào sửa chữa và nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng đang tồn tại có thể là phương án lựa chọn tốt trong thời điểm hiện nay.
Một phương án khác giúp ích cho sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn đó là kích cầu vào giáo dục. Đầu tư xây thêm trường học, nhà ở cho sinh viên sẽ giúp kích thích ngành bất động sản; miễn giảm học phí cho sinh viên; tăng lương cho đội ngũ cán bộ giáo viên, đầu tư vào hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo là một trong những phương án tốt trong thời điểm hiện tại.
Sức mua của khu vực giáo dục tăng sẽ lan tỏa sang các khu vực khác và góp phần ngăn chặn đà suy thoái kinh tế.
Bạch Huỳnh Duy Linh