Mặc dù Quốc hội đã thông qua điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu giảm từ 13% xuống còn 3% (tương đương đạt 64,68 tỷ USD) năm 2009, nhưng với kết quả xuất khẩu 8 tháng năm nay, để hoàn thành được mục tiêu trên đòi hỏi các Bộ, ngành cần tập trung triển khai đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, xuất khẩu tháng 8 ước đạt 4,7 tỷ USD - giảm 2,2% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 37,255 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2008.
Đáng chú ý là xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm kim ngạch xuất khẩu tới 21,1% - kể cả dầu thô. Khối doanh nghiệp trong nước có mức giảm ít hơn, chỉ 5,9%.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch giảm sâu. Tính riêng 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cho đến thời điểm này, chỉ có hai mặt hàng tăng kim ngạch là đá quý, kim loại quý và sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.
Sau khi hồi phục nhẹ vào tháng 7, tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong tháng 8 lại quay đầu giảm mạnh, khiến kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tiếp tục đà đi xuống. Dầu thô – một trong những mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu - mặc dù giá trên thị trường quốc tế nhích lên nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm sâu nhất, tới trên 48%, tiếp đến là cao su trên 41%, than đá trên 21%, cà phê 17,7% và hạt điều 13,5%. Nhóm hàng dệt may cũng đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước sau nhiều tháng tăng trưởng dương, đạt kim ngạch trên 5,9 tỷ USD trong 8 tháng.
Tuy nhiên, nếu tính về lượng, nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn duy trì được tăng trưởng. Cụ thể, so với cùng kỳ, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu tăng 46,8%; gạo tăng 43%; chè tăng 19,5%; cà phê tăng 16,8%, cao su tăng 8,2%; dầu thô tăng 8%...
Tập trung các giải pháp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm
Như vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2009 tăng trưởng 3% trong năm nay của Bộ Công Thương là 64,68 tỷ USD, thì với 4 tháng còn lại, kim ngạch xuất khẩu phải đạt thêm hơn 27 tỷ USD, tương đương gần 6,4 tỷ USD/tháng. Điều này, bản thân đại diện của Bộ Công Thương cũng cho rằng rất khó thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.
Trong khi đó, mới đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCEIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo rằng, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ chỉ đạt 58,7 - 61,3 tỷ USD, tức là giảm 2,2 - 6,4% so với năm 2008.
Lý giải cho nhận định trên, ông Lê Đình Ân, Giám đốc NCEIF cho biết, dự báo về triển vọng xuất khẩu của NCEIF được đưa ra dựa trên các yếu tố chính là xu thế xuất khẩu của Việt Nam được hình thành trong nhiều năm gần đây và khả năng phục hồi của kinh tế thế giới nói chung và từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nói riêng. Đồng thời, ông Ân cho rằng, nếu tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục và Chính phủ điều hành công tác xuất khẩu một cách quyết liệt, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể đạt cao hơn, thậm chí có thể bằng năm 2008 ( đạt 62,7 tỷ USD).
Như vậy, theo quan điểm từ NCEIF, ở mức khả quan nhất, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay cũng chỉ có thể tăng trưởng 0%. Điều này là khá thống nhất với quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt mức 62,7 tỷ USD, tương đương năm 2008.
Tuy vậy, theo ông Ân, xét trong bối cảnh hiện nay, mức sụt giảm này là tương đối ít so với mức sụt giảm của các nền kinh tế khác. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 22% so với cùng kỳ năm 2008. Còn Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm, cũng đã giảm tới 23%...
Theo NCEIF, để đẩy mạnh xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm 2009, các Bộ, ngành cần tập trung triển khai đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp.
Trước hết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá dần dần, tiếp tục mở rộng biên độ dao động lên 6%, rồi 7% vào những thời điểm được tính toán cẩn thận, tránh gây những cú sốc bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế.
Đồng thời, phải đa dạng hóa sử dụng ngoại tệ. Phân tích về đề xuất này, các chuyên gia NCEIF cho rằng, Nhà nước cần có các quy định và chế tài cụ thể để đa dạng hóa việc sử dụng các ngoại tệ khác trong giao dịch xuất khẩu, tránh việc tập trung quá mức vào đồng USD như hiện nay, dẫn tới căng thẳng trong cung ứng USD, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên dành một phần trong gói kích thích kinh tế để hỗ trợ tín dụng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Những doanh nghiệp chứng minh được là đã hoàn thành giao hàng và đang làm thủ tục thanh toán sẽ nhận được sự hỗ trợ này. Chính phủ có thể bảo lãnh cho các khoản thanh toán này, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.