TS. NGÔ HUY CƯƠNG – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Đề nghị và chấp nhận là các khái niệm luôn luôn đi liền với nhau trong việc nghiên cứu về giao kết hợp đồng, bởi chúng là các thành tố của sự thỏa thuận. Các nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 1994 và 2004 đề xác định ngay đầu tiên khi nói về giao kết hợp đồng, tại các Điều 2.1 và Điều 2.1.1 tương ứng, với nội dung không thay đổi là: “Một hợp đồng có thế giảo kết hoặc bởi sự chấp nhận một đề nghị hoặc bởi cách hành xử của các bên mà đủ để thể hiện sự thỏa thuận”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 định nghĩa:”Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”(Điều 396). Định nghĩa này được đưa ra có tính cách ứng dụng cho các trường hợp cụ thể theo pháp luật ViệtNam, nên bao hàm trong nó cả điều kiện của chấp nhận. Các nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 1994 và 2004 đều định nghĩa: “Một tuyên bố hoặc cách hành xử khác nhau của người được đề nghị cho biết sự đồng ý với đề nghị là chấp nhận. Sự im lặng hoặc không hành động tự bản thân nó không có nghĩa là chấp nhận”(Điều 2.6 và Điều 2.1.6 tương ứng). Định nghĩa này của Unidroit đã khai thác bản chất của chấp nhận là sự đồng ý với đề nghị của người khác đối với mình và nói rõ cách thức chấp nhận hay hình thức của chấp nhận, có nghĩa là phương thức bộc lộ sự đồng ý ra bên ngoài. Tại đó đã không đề cập tới các điều kiện của chấp nhận, có lẽ bởi chấp nhận có nhiều điều kiện để có hiệu lực mà chúng ta có dịp nó tới đây.
Sự chấp nhận có thể chia thành ba loại cơ bản căn cứ vào hình thức của nó là: (1) Chấp thuận rõ ràng, cụ thể như trường hợp tuyên bố rõ ý chí ưng thuận với đề nghị, hoặc (2) Chấp nhận thông qua cách hành xử ngụ ý về sự chấp nhận, hoặc (3) Im lặng hay không hành động. Giống như khi phân tích hình thức hợp đồng, chấp nhận cũng có hình thức biểu hiện như vậy chứng minh cho sự chấp nhận. Các hình thức đó bao gồm văn bản, lời nói, cử chỉ hay hành động, hoặc sự im lặng hay không hành động. Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định ba hình thức đầu nói trên là hình thức của hợp đồng tại Điều 401, khoản 1. Còn hình thức thứ ba được nói một cách xa xôi tại Điều 404, khoản 2, có nghĩa là người được đề nghị có thể bằng sự im lặng của mình ngụ ý về sự chấp nhận đề nghị, tuy nhiên với điều kiện là phải có thỏa thuận im lặng là chấp nhận. Vấn đề này sẽ được nói lại dưới đây.
Bộ luật dân sự Bắc Kỳ năm 1931 phân biệt sự tuyên bố ý chí chấp nhận rõ ràng và mặc nhiên chấp nhận. Điều 653 và Điều thứ 654 của Bộ luật này và tương ứng là Điều thứ 689 và Điều thứ 690 của Bộ luật Dân sự Trung Kỳ năm 1936 có nội dung tương tự như nhau:
“Điều thứ 653. Đồng – ý là ý- nguyện của mọi bên có quan – hệ trong hiệp – ước đều thoải – hợp nhau cả.
Nếu có một bên không đồng ý thì hiệp – ước cũng không thành.
Điều thứ 654. Sự đồng – ý có thể tỏ ra bằng lời nói hoặc bằng giấy tờ.
Sự đồng – ý cũng có thể tùy vào tình – trạng mà cho là mặc – nhiên ám – chỉ được”.
Có thể hiểu việc chấp nhận bằng lời nói, bằng văn bản thể hiện việc tuyên bố rõ ràng ý chí của người chấp nhận và có hiệu lực nếu tuân thủ đầy đủ các điều kiện của chấp nhận. Đây là một hình thức chấp nhận không có nhiều phức tạp đối với việc nhận biết. Nhưng chấp nhận bằng hành động hay chấp nhận bằng sự im lặng là những hình thức chấp nhận phức tạp đối với việc nhận biết và gây nhiều tranh luận.
Các luật gia của Unidroit đưa ra giải thích việc chấp nhận bằng hành động trước tiên với việc phân loại đề nghị. Họ ngụ ý rằng, đề nghị có thể được chia thành hai loại căn cứ vào điều kiện về hình thức chấp nhận: Một loại là đề nghị có qui định hình thức chấp nhận; và loại kia là đề nghị không qui định hình thức chấp nhận. Đối với loại thứ hai này, việc chấp nhận bằng hành động thông thường được thể hiện qua việc thực hiện một số công việc như thanh toán trước một phần giá hàng hóa, vận chuyển hàng hóa hoặc bắt đầu xây dựng tại mặt bằng[1]…Chúng ta bắt gặp các lý giải này trong Bộ luật Dân sự Liên bang Nga với qui định :”Sự thực hiện hành động của người được đề nghị mà bao gồm việc tuân thủ các điều kiện của hợp đồng được qui định trong đề nghị (gửi hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tiến hành công việc, thanh toán các khoản tiền tương ứng…)phải được xem là chấp nhận, trừ khi có qui định khác bởi luật, các văn bản pháp lý khác, hoặc chỉ rõ của đề nghị” (Điều 438, khoản 3). Điều này cho thấy, người ta có thể chứng minh việc chấp nhận bằng một công việc cụ thể nào đó đã được làm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của người được đề nghị mà hợp đồng dự kiến trong đề nghị có thể làm phát sinh. Các quan niệm này xuất phát từ nền tảng tự do ý chí tôn trọng tối đa sự thỏa thuận, sự thống nhất ý chí mà không câu nệ bởi hình thức và bảo đảm nguyên tắc thiện chí, trung thực và hợp tác. Im lặng có phải là chấp nhận mặc nhiên không? Đó là vấn đề tranh luận sôi nổi. Unidroit đã thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này là im lặng hoặc không hành động tư bản thân chúng không phải là chấp nhận như đã nói ở trên. Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng không xem im lặng là sự chấp nhận mặc nhiên, mà chỉ thừa nhận một trường hợp cho sự chấp nhận bằng im lặng khi có sự thỏa thuận giữa người đề nghị và người được đề nghị “im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết” hợp đồng (Điều 404, khoản 2).Tuy nhiên để có được hiểu biết rõ ràng hơn về các qui định này của Bộ luật Dân sự năm 2005, cần phải giải thích sự thỏa thuận của hai bên về vấn đề này được thể hiện ở đâu: (1) Trong nội tại của đề nghị rồi được người được đề nghị thông báo đồng ý riêng về vấn đề đó; hay (2) Trong đề nghị bổ sung rồi được người được đề nghị thông báo chấp nhận vấn đề đó trong đề nghị bổ sung; hay (3) Trong mọi thỏa thuận khác; hay (4) Trong tập quán; hay (5) Trong thói quen quan hệ giữa hai bên. Unidroit đã có sự nhắc nhở: Người đề nghị không thể đơn phương tuyên bố trong đề nghị của mình rằng đề nghị được coi là chấp nếu không trả lời hoặc giữ im lặng, bởi người đề nghị là bên đề xướng hợp đồng và người được đề nghị có quyền tự do lựa chọn hoặc phớt lờ đề nghị.
Luật Dân sự Việt Nam cũng có những quan niệm như vậy từ nhiều thập kỷ trước. Vũ Văn Mẫu cho rằng, việc buộc người được đề nghị phải trả lời mỗi lần nhận được đề nghị không khác nào xâm phạm vào quyền tự do không kết ước của họ, do đó không thể suy diễn im lặng là đồng ý, tuy nhiên trong một số trường hợp như có thói quen quan hệ, tập quán, các thức thực hành đối với một số loại hợp đồng, hoặc đề nghị chỉ có lợi riêng cho người được đề nghị thì sự suy diễn trên được xem là có căn cứ. Ông đã đưa ra gợi ý, im lặng được coi là sự ưng thuận khi có thỏa thuận “trước” của hai bên. Vì vậy, đề nghị và chấp nhận trong trường hợp này có thể chỉ là một phần tách biệt của nhiều quan hệ giữa hai bên. Nhưng nó khác với thói quen quan hệ, tập quán hay cách thức thực hành ở chỗ: Ý chí của các bên được tuyên bố một cách rõ ràng cho một hoặc một số trường hợp đề nghị nhất định trong một khoảng thời gian nhất định.
Bộ luật Dân sự Đức cho rằng, việc chấp nhận bằng im lặng là hợp pháp nếu có thể lý giải được sự im lặng đó phù hợp với tập quán chung, hoặc nếu người đề nghị thỏa mãn như vậy. Điều 151 của Bộ luật này qui định:”Hợp đồng được giao kết bởi chấp nhận đề nghị, không cần thiết rằng người đề nghị được thông báo về chấp nhận, nếu việc thông báo như vậy không hoàn toàn bình thường theo tập quán chung, hoặc nếu người đề nghị đã khước từ nó. Thời điểm mà đề nghị mãn hạn được xác định phù hợp với ý chí của người đề nghị thể hiện trong đề nghị hoặc hoàn cảnh”.
Bộ luật Dân sự Liên bang Nga cũng có các qui định về vấn đề này phù hợp với quan niệm chung của thế giới ngày nay. Điều 438, khoản 2 của Bộ luật này qui định:”Sự im lặng không được xem là chấp nhận, trừ khi có sự khác biệt phát sinh từ pháp luật, từ tập quán kinh doanh, hoặc từ quan hệ trước đó giữa các bên”.
So với các quan niệm và các qui định trên của một số Bộ luật Dân sự khác, chúng ta không thấy sự rõ ràng nào được thể hiện trong Điều 404, khoản 2, Bộ luật Dân sự năm 2005.
Từ các nghiên cứu trên có thể thấy, định nghĩa về chấp nhận tại Điều 396 Bộ luật Dân sự năm 2005 không nhắc tới các cách thức hay hình thức của chấp nhận và dường như chỉ cho rằng, chấp nhận là “sự trả lời” mà trong khi đó cụm từ “sự trả lời” không rõ nghĩa, đôi khi làm người ta tưởng lầm rằng sự chấp nhận phải bằng văn bản hoặc lời nói. Tuy nhiên, nếu giải thích điều này trong mối quan hệ với Điều 401 và Điều 404, của Bộ luật dân sự năm 2005 có thể hiểu hình thức hay cách thức của chấp nhận phong phú hơn như trên đã trình bày. Vì vậy cần phải nhấn mạnh rằng, dù bộ luật nào đó đã qui định cụ thể về một vấn đề nào đó, thì vẫn cần phải giải thích nó để rút ra giải pháp giải quyết tranh chấp, có thể chỉ bởi một lý do đơn là là giới hạn của pháp điển hóa nói chung không cho phép trình bày mỗi vấn đề lại phải diễn giải toàn bộ logic hệ thống. Và như thế, lý thuyết pháp lý là phần quan trọng của pháp luật giúp cho giải thích tư pháp hay tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp đã được gợi ý trong các đạo luật. Nắm được lý thuyết pháp lý làm cho các luật gia khác với người thường. Như vậy mới cần học luật.
Có lẽ nên khảo sát thêm một trường hợp nữa tại đây để thấy hết sự cần thiết của lý luận pháp luật trong công tác thực tiễn pháp lý. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không dự liệu trường hợp khi nào cách thức chấp nhận hay hình thức chấp nhận được qui định cụ thể trong đề nghị, có nghĩa là đề nghị đòi hỏi chấp nhận phải theo một cách thức hay hình thức nào đó, do vậy gây khó khăn thêm cho việc xác định chấp nhận có hiệu lực hay không nếu chấp nhận đó được đưa tới người đề nghị mà không tuân thủ đúng với hình thức hoặc cách thức chấp nhận đã được đề nghị qui định rõ. Về điểm này trước hết cần khỏa sát các điều kiện của chấp nhận.
Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đưa ra một số điều kiện đối với chấp nhận, bao gồm: (1) Chấp nhận phải trên cơ sở đề nghị (Điều 369); (2) Chấp nhận phải đầy đủ và không có giới hạn (Điều 395 và Điều 396); (3) Chấp nhận phải được đưa tới người đề nghị trong thời hạn trả lời chấp nhận (Điều 397); và (4) Chấp nhận phải phù hợp với hình thức do pháp luật qui định (Điều 401 và Điều 404, khoản 2). Ngoài ra chúng ta không thấy có điều kiện nào khác cho chấp nhận. Trong khi đó ở các nước theo luật án lệ, để giải quyết tranh chấp giữa các bên về giá trị của chấp nhận người ta thường dựa vào các qui tắc thiết lập các điều kiện của chấp nhận để phân tích. Các điều kiện này có thể được các tác giả tập hợp theo các cách thức khác nhau nhưng trong một phạm vi tương đối đồng nhất. Chúng có thể bao gồm: (1) Chấp nhận nhất thiết phải dựa vào đề nghị; (2) Chấp nhận nhất thiết phải đầy đủ và không hạn chế: (3) Đồng ý có điều kiện không phải là chấp nhận; (4) Chấp nhận nhất thiết phải rõ ràng và chắc chắn; (5) Chấp nhận có thể là minh thị hoặc ngụ ý: (6) Chấp nhận có thể cho cả quá khứ lẫn tương lai; (7) Đề nghị trở lại là từ chối đề nghị; (
Chấp nhận nhất thiết phải được gửi đi (trừ khi được miễn); và (9) Người đề nghị có thể qui định cách thức chấp nhận.
Vậy để tìm kiếm giải pháp cho các bên tranh chấp trong trường hợp bên đề nghị đã qui định rõ trong đề nghị rằng chấp nhập phải theo một hình thức, một cách thức nhất định, nhưng bên chấp nhận không tuân theo hình thức hay cách thức đó thì chúng ta cần phải dự đoán luật sư của hai bên có thể tận dụng nguyên tắc nào đó đã được qui định rõ ràng liên quan tới tranh chấp này. Tại đây chỉ nói tới cách thức tiếp cận vấn đề hơn là tìm kiếm giải pháp cụ thể cho tranh chấp này. Có hai nguyên tắc gần gủi nhất với tranh chấp này mà Bộ luật Dân sự năm 2005 đã nêu ra một cách tương đối rõ ràng. Nguyên tắc thứ nhất: Chấp nhận phải trùng khít với đề nghị (Điều 396). Nguyên tắc thứ hai: Sự thống nhất ý chí được thể hiện dưới mọi hình thức (Điều 401). Luật sư của bên đề nghị có thể tận dụng nguyên tắc thứ nhất để cho rằng chấp nhận không có hiệu lực. Luật sư của bên chấp nhận có thể tận dụng nguyên tắc thứ hai để cho rằng chấp nhận có hiệu lực. Và có thế ngược lại. Vậy cơ quan tài phán phải cân nhắc giữa hai nguyên tắc này xem nguyên tắc nào được ưu tiên trong trường hợp cụ thể này. Thông thường chấp nhận được chia thành nội dung của chấp nhận, và hình thức của chấp nhận. Nguyên tắc thứ hai nêu tại Điều 401 không trực tiếp nói tới hình thức của chấp nhận, và nếu được giải thích cùng với Điều 404, khoản 3 và khoản 4. Bộ luật Dân sự năm 2005 thì có thể thấy nhà nhà làm luật đã coi hình thức của hợp đồng không phải là hình thức của chấp nhận. Hình thức của hợp đồng được nói tới tại đó được xem như hình thức của sự thống nhất ý chí mà các bên có thể gặp mặt hay trao đổi trực tiếp bằng lời nói hoặc cùng nhau xem xét trên một bản hợp đồng được soạn thảo và đều phải “ký” tên vào văn bản này, có nghĩa là không đề cập tới phương thức giao kết hợp đồng với người vắng mặt hoặc không trao đổi trực tiếp. Việc giao kết hợp đồng với người vắng mặt hoặc không trao đổi trực tiếp chỉ được đề cập tới tại Điều 404, khoản 1 và khoản 2, Bộ luật Dân sự năm 2005. Cấc điều luật này viết:
“ Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự (1) Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không qui định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
(2) Trong trường hợp pháp luật có qui định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân thủ theo qui định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác”.
Điều 404. Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự
(1) Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được tả lời chấp nhận giao kết.
(2) Hợp đồng dân sự cũng được xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có sự thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận.
(3) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
(4) Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản”
Những người soạn thảo Bộ luật Dân sự năm 2005 nói rõ ý đồ của mình trong việc viết các qui định về hình thức và thời điểm giao kết hợp đồng tại Điều 401 và Điều 404 như sau: “Về nguyên tắc, các bên được lựa chọn hình thức của hợp đồng, ví dụ bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Đoạn văn này đã gợi ý rằng, ý đồ thực sự của nhà làm luật về hình thức hợp đồng nên được giải thích rộng ra là bất kỳ hình thức nào thể hiện ý chí của các bên phải do các bên lựa chọn, có nghĩa là cùng nhau thoải thuận. Và hơn nữa, có thể do sự thiếu tin tưởng hoặc do hoàn cảnh riêng biệt của người đề nghị, nến người đề nghị đòi hỏi chấp nhận phải được thể hiện bằng một hình thức nhất định. Và xét tiếp, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã khoác một gánh nặng hơn lên vai của người đề nghị liên quan tới việc chờ trả lời chấp nhận. Mặt khác, người được đề nghị đã có một khoảng thời gian hợp lý để suy tính, cân nhắc xem có nên chấp nhận hay không và chấp nhận như thế nào…Vì những lẽ đó, cần ủng hộ cho nguyên tắc thứ nhất mở rộng tới cả hình thức của chấp nhận.
Bài tiếp về hình thức của chấp nhận và cũng đồng thời bổ sung cho các lập luận ở trên, cần phải đề cập tới trường hợp các bên đề nghị và chấp nhận giao kết hợp đồng mà đối với hợp đồng đó pháp luật có qui định phải tuân thủ một hình thức nhất định như công chứng, chứng thực. Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không đề cập tới vấn đề này, trong khi việc lựa chọn các bên về hình thức của hợp đồng bị loại trừ trong trường hợp pháp luật có qui định về một hình thức cụ thể bắt buộc theo tinh thần của Điều 401, khoản 2. Như vậy ta có thể phải tìm kiếm xem pháp luật của các nước giải quyết như thế nào về vấn đề này. Bộ luật Dân sự Đức đã đưa ra các giải pháp khá hợp lý cho trường hợp này với các điều khoản sau:
Nếu một hợp đồng phải công chứng mà cả hai bên không đồng thời có mặt, trừ khi có qui định khác, thì hợp đồng đó được giao kết với chứng thực đối với chấp nhận như được qui định tại Điều 128. Các qui định tại Điều 151, đoạn 2 được áp dụng
Điều 128. Chứng thực của công chứng viên
Nếu chứng thực của công chứng viên một hợp đồng được pháp luật qui định bắt buộc thì hợp đồng là đầy đủ nếu trước tên là đề nghị và sau đó là chấp nhận của đề nghị được chứng thực bởi công chứng”.
Và tất nhiên dù có phải chứng thực của công chứng viên, thì chấp nhận cũng phải được đưa tới người đề nghị trước khi mãn hạn trả lời chấp nhận theo tinh thần Điều 151 của Bộ luật này. Các điều khoản này của Bộ luật Dân sự Đức cho chúng ta thấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính không phải chỉ là vấn đề riêng của luật hành chính. Bộ luật Dân sự tác động tới nền tảng căn bản và bền vững của đời sống xã hội. có vai trò trong việc thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cho quan hệ tư, đồng sống tư nhân nên phần nào đó đặt ra giới hạn cho luật hành chính trong các vấn đề liên quan tới đời sống tư nhân.
Unidroit quan niệm việc chấp nhận không nhất thiết phải ưng thuận với tất cả các điều kiện được đưa ra trong đề nghị, tuy nhiên không được làm thay đổi cơ bản các điều kiện đó. Ý tưởng như vậy về điều kiện của chấp nhận rất gần gũi với nguyên tắc thiện chí và sự hợp tác. Nhưng bên cạnh đó cũng khiến cho người đề nghị đôi khi vướng phải những phiền toái mà hoàn cảnh riêng của người đó không cho phép. Hơn nữa khi tiếp nhận nguyên tắc này, thì pháp luật cần phải xác định các điều kiện chủ yếu của hợp đồng, hoặc phải dành cho thẩm phán quyền xác định thế nào là làm thay đổi cơ bản các điều kiện của đề nghị cụ thể. Pháp luật Việt Nam hiện nay dường như không tiếp nhận nguyên tắc này, bởi khẳng định sự trùng khít của chấp nhận với đề nghị. Quan niệm này giống với quan niệm của Bộ luật Dân sự Liên bang Nga rằng: “chấp nhận được xem là trả lời của người nhận được đề nghị về hiện trạng nhận được. Chấp nhận phải đầy đủ và không điều kiện”. (Điều 438, khoản 1). Bộ luật Dân sự Đức có cách qui định riêng về vấn đề này như sau:
“Điều 154. Thiếu thỏa thuận rõ ràng, chiếu chứng thực”
(1) Cho tới khi các bên thỏa thuận về tất cả các điểm của hợp đồng mà phù hợp với tuyên bố thậm chí của chỉ một bên, thảo thuận phải đạt được, hợp đồng chưa được giao kết, nếu còn ngờ vực. Mọi thoải thuận liên quan tới các điểm cá biệt không ràng buộc pháp lý, thậm chí chúng đã được ghi nhận.
(2) Nếu đã được dự tính rằng hợp đồng dự liệu phải được chứng thực, thì trong trường hợp còn ngờ vực, hợp đồng chưa được giao kết cho tới khi có chứng thực”.
Còn tác giả Việt Nam đã đưa ra định nghĩa chấp nhận giống như định nghĩa chấp nhận tại Điều 396, có nghĩa là coi “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí, theo đó bên nhận đề nghị đồng ý với tất cả điều kiện được nêu trong đề nghị”, trong khi đó cũng lại đưa ra đòi hỏi phải cải cách các qui định về chấp nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005 theo hướng Điều 19 khoản 2 và Công ước của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980. Điều 19 của Công ước Viên có nội dung:
“(1) Sự đáp lại một đề nghị mà có ngụ ý là một chấp nhận nhưng không chứa đựng những điều kiện, những giới hạn hoặc những sửa đổi khác là một sự từ chối đề nghị và tạo thành một phản đề nghị.
(2) Tuy nhiên, sự trả lời một đề nghị có ngụ ý là một chấp nhận nhưng chứa đựng những điều kiện bổ sung hoặc khác biệt mà không làm thay đổi một cách thiết yếu các điều kiện của đề nghị tạo thành một chấp nhận, trừ khi người đề nghị, không chậm trễ một cách phi lý, phản đối bằng lời nói đối với sự không đồng nhất hoặc gửi một thông báo về hậu quả đó. Nếu người đề nghị không phản đối như vậy, thì các điều kiện của hợp đồng là các điều kiện của đề nghị với những sửa đổi được chứa đựng trong chấp nhận.
(3) Những điều kiện bổ sung hoặc khác biệt liên quan, giữa những vấn đề khác, về giá, thanh toán, chất lượng và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời gian giao nhận, phạm vi trách nhiệm của một bên đối với bên khác hoặc giải quyết tranh chấp đề được xem là thay đổi một cách thiết yếu các điều kiện của đề nghị”.
Vũ Văn Mẫu cho rằng, khế ước chỉ được coi là kết lập khi ưng nhận đã tương hợp với đề ước. Việc thiếu đi sự tương hợp, cũng giống với quan niệm của các nền tài phán, ông cho rằng đã xuất hiện một đề ước mới và phải chờ người kia trả lời chấp nhận thì khế ước mới được coi là kết lập. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đấy thế nào là sự tương hợp giữa ương nhận và đề ước. Về vấn đề này, Vũ Văn Mẫu thấy cần phân biệt giữa trường hợp sự tương hợp giữa các điểm chính và sai biệt giữa các điểm phụ với các trường hợp sự bất tương hợp. Theo ông, án lệ của Pháp khẳng định khế ước không thể coi là đã được kết lập một khi còn sai biệt giữa ưng nhận và đề ước kể cả những điểm phụ. Tuy nhiên hiện nay, khi nói vắn tắt về hợp đồng, có tác giả Pháp cho rằng, chấp nhận đề nghị là sự bày tỏ ý chí của người được đề nghị đồng ý giao kết hợp đồng theo những điều kiện do người đề nghị đưa ra, tuy nhiên chỉ có hiệu lực khi nó phù hợp với đề nghị, chí ít là đối với các nội dung chính của hợp đồng”. Nếu quả đúng như Vũ Văn Mẫu viết và đúng như cuốn sách phổ thông về hợp đồng vừa dẫn thì pháp luật Pháp phải chăng đã có thay đổi trong quan niệm về vấn đề này? Tuy nhiên nhận thức mềm hơn đối với sự tương hợp giữa chấp nhận và đề nghị khiến cho sự thẩm định tư pháp khó khăn hơn. Vũ Văn Mẫu trong tư tưởng của mình dường như ủng hộ cho quan niệm mềm này trong khi dẫn rằng Bộ luật Nghĩa vụ của Thụy Sĩ trù liệu sự bất tương hợp giữa các điểm phụ trong chấp nhận và đề nghị do tòa án phân xử, và đòi hỏi sự rõ ràng hợn trong pháp luật về vấn đề này. Theo ông, Bộ luật Dân sự Pháp, Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ và Bộ luật Dân sự Trung Kỳ đều không giải quyết minh bạch.
Việc giải quyết hay không giải quyết một vấn đề pháp lý nào đó trong đạo luật có thể có những lý do nhất định. Song điều quan trọng nhất là không phải vì thế mà các tranh chấp liên quan tới các vấn đề đó không được giải quyết trong thực tế. Vì vậy, nhiều Bộ luật Dân sự không có qui định về chấp nhận và đề nghị, nhưng tranh chấp liên quan được giải quyết ổn thoải hơn là khi có các qui định như vậy trong Bộ luật Dân sự mà các qui định đó lại không thỏa đáng.
SOURCE: TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT SỐ THÁNG 1 NĂM 2010
Trích dẫn từ: vibonline.com.vn