Có đến 4 loại lệnh!
Hoạt động giao dịch trên sàn sẽ có 4 loại lệnh, đó là lệnh ATO, ATC, lệnh giới hạn LO và lệnh thị trường MP. Lệnh ATO đặt ở phiên 1 để xác định giá mở cửa; lệnh ATC ở phiên 3 để xác định giá đóng cửa; lệnh LO tồn tại suốt 3 phiên, và lệnh MP chỉ có duy nhất trong phiên 2 là phiên khớp lệnh liên tục.
ATO và ATC là lệnh xác định giá mở cửa và giá đóng cửa, được ưu tiên khớp lệnh trước lệnh LO. Hai lệnh này nếu không khớp được hoặc khớp 1 phần, sẽ tự hủy. Xét về tính chất, lệnh ATO và ALO không khác gì nhau, chỉ một lệnh ở phiên 1, một lệnh ở phiên 3.
Lệnh giới hạn LO tồn tại suốt 3 phiên. Một đặc điểm đáng chú ý của lệnh LO là giá khớp sẽ lấy theo giá của lệnh vào hệ thống trước, bất kể đó là lệnh bán hay mua. Vì vậy, nếu không cẩn trọng có thể bị đặt hớ, bán giá thấp hoặc mua giá cao. Ví dụ lệnh bán đặt trước với giá 98.000đ, lệnh đặt mua vào sau với giá 100.000 đồng, khớp lệnh sẽ là 98.000 đồng.
Như vậy, người bán sẽ bị thiệt bởi không dự báo sự đánh giá của thị trường đối với cổ phiếu mà mình đang nắm. Nếu một cổ phiếu đang được đánh giá cao nhưng nhà đầu tư đặt bán giá thấp, nhập lệnh sớm, sẽ có người vào sau mua theo giá mà người bán đã đặt trước đó. Hoặc nếu một cổ phiếu hiện không được đánh giá cao nhưng lỡ đặt lệnh mua cao, ngay lập tức sẽ có người sau đặt lệnh bán, và người mua phải mua với giá cao mà mình vừa đặt.
Cẩn trọng với lệnh MP!
Tuy nhiên đáng sợ, đáng chú ý nhất là lệnh thị trường MP. Nó là loại lệnh đặc biệt, mua tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán với giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Nghĩa là với lệnh mua, MP sẽ quét từ giá thấp nhất mà lệnh LO đưa ra trong hệ thống, lên cao dần, đến khi đã đủ số nó cần mua. Hoặc với lệnh bán, MP được bán với giá mà lệnh LO đặt mua cao nhất, khi không còn bán được ở giá cao bởi lệnh LO mua cao đã được khớp hết, MP sẽ bán thấp dần đến khi nào hết số cổ phiếu đặt bán mới thôi (ở đây không bàn đến việc khớp không hết, hủy lệnh và chuyển lệnh).
Thêm một yếu tố nữa là lệnh MP không có trước trong hệ thống, mà chỉ xuất hiện khi trong hệ thống đã có lệnh giới hạn LO. Như vậy, lệnh MP như con thú rình mồi nằm phục sẵn bên ngoài, chỉ chờ lệnh giới hạn LO như con mồi xuất hiện, là nó (MP) nhảy ra và bắt đầu càn quét, “ăn” từ con mồi ngon nhất trở đi, đến kỳ no mới thôi.
Như vậy, căn cứ vào đặc điểm của lệnh MP, có thể thấy nó được dùng khi nhà đầu tư dùng để quyết tâm bán hoặc mua một cổ phiếu nào đó. Chính vì vậy, nếu không cẩn thận, kể cả người sử dụng lệnh LO lẫn MP sẽ rơi vào những trường hợp mua bán hớ.
Nếu cổ phiếu đang được đánh giá cao nhưng đặt lệnh LO bán thấp, ngay lập tức MP xuất hiện là nó sẽ khớp lệnh ngay. Tương tự, nếu cổ phiếu không được đánh giá cao nhưng lệnh LO đặt mua giá cao, lệnh MP xuất hiện bán ngay.
Lệnh MP không bao giờ xuất hiện trên màn hình. Nó như kẻ trộm rình rập, chờ lệnh LO xuất hiện là nó quét ngay. Vì vậy, người đặt lệnh LO trước không biết sẽ có lệnh MP xuất hiện hay không, nên tốt nhất hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra giá mua hay bán. Bởi lẽ, bất cứ giá mua hay bán LO nào, lệnh MP cũng “thâu tóm” được cả.