Máy tính ngày nay đã và đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh việc xây dựng và khai thác phần mềm, cần phải quan tâm đến việc bảo trì cả phần cứng lẫn phần mềm, làm cho việc sử dụng máy tính có hiệu quả hơn. Nếu có những hiểu biết cơ bản về bảo quản máy tính, bạn có thể tránh được những sai sót không đáng có, điều này đồng nghĩa với việc kéo dài tuổi thọ của máy và tiết kiệm chi phí cho bạn.
Đa số các máy tính có tỷ lệ lỗi thấp, xấp xỉ 1%. Trong đó: ổ đĩa cứng 43%, Mainboard 16%, Nguồn 15%, ổ đĩa mềm 4%, Màn hình 1%, các loại khác 21%. Nguyên nhân có thể do nhà sản xuất, do môi trường hay do người sử dụng.
Lỗi do nhà sản xuất: Đối với máy tính cao cấp, lỗi này chiếm tỷ lệ thấp do công nghệ cao sản xuất và có hệ thống kiểm soát chất lượng tốt.
Lỗi do môi trường: Do ảnh hưởng của thiên tai như sấm sét, nước mưa; của môi trường: độ ẩm, bụi bặm?; của nguồn cung cấp điện: mất pha, máy nổ; để gần nơi có từ tính mạnh như loa, từ trường trái đất?
Lỗi do người sử dụng: Chủ yếu là lỗi phần mềm hoặc tháo lắp sai, làm rơi vỡ hay lắp đặt thêm các phụ kiện không tương thích.
Do đó để giảm lỗi, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Bật và tắt máy theo đúng quy cách: Bật các thiết bị ngoại vi trước, CPU sau. Nếu dùng ổn áp, lưu điện thì bật theo thứ tự từ điện lưới trở đi. Khi tắt thì theo thứ tự ngược lại.
- Tránh lỗi của các nhà sản xuất bằng cách mua máy của các hãng có tên tuổi và doanh nghiệp lớn, có uy tín.
- Tránh lỗi do môi trường: Khi có mưa giông, sấm sét nên rút phích điện khỏi nguồn cắm và giắc điện thoại ra khỏi Modem. Tránh để máy ở nơi ẩm thấp, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Che máy khi không sử dụng để tránh bụi. Nên dùng ổn áp để bảo vệ nguồn. Tránh chuột, gián, thạch sùng trong phòng máy. Đặt máy tại nơi ít chịu ảnh hưởng bởi từ tính.
- Tránh lỗi do sử dụng sai: Bạn không nên xoá các file không rõ chức năng. Không tháo lắp máy khi chưa đọc kỹ hoặc chưa rõ cấu trúc. Tránh cầm tay trực tiếp các linh kiện để tránh tĩnh điện làm hỏng máy. Cẩn thận khi sử dụng, tháo lắp. Tốt nhất là nên hỏi người có chuyên môn khi gặp trục trặc.
* Một số lời khuyên cho bạn khi sử dụng máy tính:
- Nên bật máy hàng ngày.
- Nên bảo dưỡng, vệ sinh máy định kỳ.
- Không nên chạy NDD, Scandisk thường xuyên.
- Tốt nhất là bạn nên bảo dưỡng từng thiết bị của máy tính. Máy tính được cấu tạo từ ba bộ phận chính là bàn phím, hộp máy và màn hình.
+ Hộp máy: Còn được gọi là CPU, bạn nên lau chùi bên ngoài vỏ máy bằng cồn 900. Để lau chùi bên trong, bạn mở vỏ máy và dùng cọ bông mịn, khô, để quét bụi gom vào một chỗ rồi quấn bông có tẩm cồn 900 để chấm bụi. Cố định lại các Chip, Board, Card?bằng cách ấn nhẹ tay vào chỗ đó. Xem lại các dây điện, Cable tín hiệu?xem có bị lỏng hay rút ra không và nếu thấy đứt thì cần thay dây mới. Xem lại các giắc cắm (ở phía sau cũng như bên trong hộp máy), vì các tiếp điểm của giắc lâu ngày hay bị bụi bặm, han gỉ làm mất tín hiệu hay dòng điện. Cần phải lau chùi kỹ bằng vải khô hoặc làm tróc gỉ bằng cách rút ổ cắm ra và cắm lại vài ba lần. Bạn không nên lau chùi đầu từ đọc/ghi của ổ đĩa mềm bằng bông tẩm cồn 900, chỉ nên dùng đĩa chùi đầu từ. Khi lau chùi xong phải đậy lắp lại và bắt lại các vít cho chặt (nhưng chớ nên bắt quá chặt). Yêu cầu khi làm việc này là máy của bạn phải được cắt nguồn điện vào, chân tay phải khô ráo và đứng trên một vật cách điện.
+ Ổ đĩa: Mỗi ổ đĩa đều có một đèn báo. Khi ổ nào làm việc thì đèn báo của ổ đĩa đó sẽ sáng. Chúng ta có thể nhìn đèn báo để xem ổ đĩa có làm việc hay không.
- Đối với ổ đĩa cứng: Luôn quay trong suốt thời gian chạy máy, song thực sự chỉ đọc, ghi dữ liệu mỗi khi đèn báo ở ổ đĩa cứng loé sáng. Không nên va chạm, xô đẩy đầu máy khi đang dùng máy vì có thể làm hư, sứt đầu từ hoặc làm tróc lớp từ phủ trên mặt đĩa?Tránh bật tắt máy nhiều lần, càng bật tắt nhiều lần càng nhanh hỏng. Sau khi tắt máy, chỉ bật lại máy tối thiểu sau một phút (vì mỗi lần máy khởi động, làm ổ đĩa cứng chịu tác động điện lực rất mạnh).
- Đối với ổ đĩa mềm: Cần nạp đĩa đúng cách để tránh hư hại đầu từ và trầy xước đĩa mềm. Mỗi khi ổ đĩa mềm làm việc, đèn báo sẽ báo sáng. Khi truy xuất dữ liệu xong, khoảng vài giây sau đèn mới tắt. Vì vậy, bạn chỉ có thể rút đĩa ra khỏi ổ khi đèn đã báo tắt. Nếu làm ngược lại, đầu từ sẽ bị mòn và mặt đĩa sẽ bị trầy xước làm mất dữ liệu trên đĩa. Tránh làm rơi, bẻ cong và không được đè vật nặng lên đĩa.
+ Bàn phím: Là thiết bị ngoại vi chuẩn, dùng để nhập dữ liệu nên rất quan trọng. Cần phải được giữ gìn cẩn thận vì các phím bấm rất dễ vỡ và gẫy, dưới đáy mỗi phím có một vi mạch điện tử. Bạn nên giữ mặt bàn phím sạch sẽ. Không để bụi bám vào và làm rớt xuống các chân phím. Chỉ nên làm việc khi tay sạch sẽ và khô ráo. Muốn làm sạch bàn phím cùng các phím, có thể lấy bông gòn tẩm ít cồn 900 lau nhẹ. Tránh để bàn phím cạnh cửa sổ hắt nắng hoặc hắt mưa. Không được để sách vở hay đồ nặng lên bề mặt bàn phím vì các phím sẽ mất tính đàn hồi. Khi thao tác, nên gõ nhẹ lên mặt bàn phím để tránh làm mất tính đàn hồi của các phím.
+ Màn hình: Tuyệt đối tránh khói và bụi. Đặt màn hình ở xa cửa sổ để tránh ánh nắng và nước mưa. Nên lau chùi các khe rãnh toả nhiệt ở bên các hông hoặc ở phía trên của màn hình. Không nên bít kín các khe toả nhiệt, màn hình phải được để trên bàn cứng vững chắc. Khi không dùng nên phủ kín màn hình để tránh bụi.
+ Chuột: Khi không dùng đến nên để vào một bao nilon hoặc hộp nhỏ để tránh bụi và chất lỏng bám vào. Chỉ di động chuột trên mặt bàn phẳng và sạch sẽ. Tốt nhất là sử dụng bàn di chuột. Nếu bạn di chuột mà không thấy nhạy thì có thể tháo chuột ra để lau chùi cho sạch. Cha ông ta có câu "Của bền tại người", nếu bạn biết giữ gìn và bảo quản, chắc chắn chiếc máy tính của bạn sẽ ít gặp trục trặc
Theo TTO