THUẬN HẢI
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn và thu thêm phí đối với các khoản vay ngắn hạn đang gây phản ứng trái nhiều từ các góc nhìn quan sát.
Với chủ các ngân hàng và doanh nghiệp, đây là quyết định không thể không hợp thức hóa hoạt động thực tiễn lâu nay của họ, giúp khơi thông nguồn vốn đã có dấu hiệu tồn đọng và phát sinh những khoản chi phí khi giao dịch mà không thể đưa vào sổ sách kế toán. Với một số ý kiến chuyên gia nhìn bằng lăng kính pháp lý hiện hành và những doanh nghiệp đang họat động chủ yếu bằng nguồn vốn vay, mà không thể huy động vốn bằng các nguồn khác, thì mức lãi suất mà họ có thể thỏa thuận hiện nay chắc chắn sẽ phạm Luật dân sự vì đã phải chấp thuận mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản (8%/năm) mà Ngân hàng Nhà nước công bố.
Giữa những luồng ý kiến băn khoăn ấy, những thông tin về các vụ giật hụi, chủ nợ cho vay nặng lãi, doanh nghiệp đút lót cả chục tỷ đồng cho quan chức Ngân hàng để nhận được khoăn vay theo lãi suất quy định của pháp luật vẫn rộn ràng khắp nơi.
Ngoài vụ bị bắt quả tang như ở BIDV, dường như các vụ tranh chấp vay nợ theo lãi suất thỏa thuận nặng lãi bên ngoài không có dấu hiệu sẽ được giải quyết bằng thủ tục pháp lý bởi các cơ quan công quyền với lý do con nợ và chủ nợ tự thỏa thuận cách giải quyết với lý do "hành vi thỏa thuận nợ không được chính quyền công nhận, bất hợp pháp ngay từ khi nó phát sinh".
Hơn nữa, cần tách bạch hợp đồng tín dụng của các pháp nhân là ngân hàng thương mại với những thỏa thuận dân sự giữa các thể nhân là công dân có năng lực pháp lý và khả năng chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Có như vậy, việc lãi suất ngân hàng vượt ngưỡng 150% lãi suất cơ bản có được coi là hoạt động vi phạm pháp pháp luật hay không hay cơ chế nào để giải quyết những vụ trốn nợ, giật hụi đây đó đang xảy ra.
Hoạt động ngân hàng là hợp đồng kinh tế, được đỉều chỉnh bằng các văn bản pháp lý Luật kinh tế, được phán xử tại Tòa kinh tế. Hoặc hành vi bằng các thủ đọan không trung thực để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng bức để bắt một người phải nhận nợ với lãi suất cao; hoặc một người đưa ra cam kết trả lãi suất cao mà không có bằng chứng cho thấy họ có năng lực và khả năng nâng cao giá trị khỏan vay để lấy tiền của người cho vay, là những dấu hiệu vi phạm đạo đức và pháp luật ngay khi bắt đầu thực hiện hành vi bởi động cơ không trung thực. Hành vi đó không thuộc hình thức hợp đồng kinh tế mà phải được coi là dấu hiệu của tội lừa đảo và phải được điều chỉnh bởi luật Dân sự, Luật hình sự.
Ngân hàng như một Nhà máy mà "đầu vào" cũng như "đầu ra" đều là giá trị tiền. Hoạt động ngân hàng không đơn thuần là nhận tiền gửi rồi lại mang số lượng tiền ấy cho vay để nghiễm nhiên hưởng chênh lệch lãi suất.
Thực tế, có hẳn một Học viện Ngân hàng, nhiều thạc sỹ và tiến sỹ về họat đông ngân hàng trong và ngoài nước đang làm việc trong các tổ chức tín dụng này. Vậy thì, giữa đồng tiền "vào" và đồng tiền "ra" qua cửa ngân hàng chắc hẳn nó phải được xử lý, nó phải được phân tích để ra kết quả về mức lãi suất "vào" và khả năng rủi ro khi cho nó "ra". Nhân lực ngân hàng phải xử lý các đầu đề bài toán đó và cho ra kết quả tối ưu bảo đảm lãi suất đủ thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội và dòng tiền ra phát huy hiệu quả cho chủ đầu tư và có tỷ suất cao quay trở lại khi đến hạn. Một hoạt động có kết tinh chất xám như thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các đối thủ không chỉ trong nước mà trong tương lai gần cả với các ngân hàng nước ngoài thì không thể quan niệm và kết luận rằng hoạt động ấy đơn thuần chỉ mang tính cơ học.
Đặc biệt, việc đánh giá rủi ro khi quyết định cho vay của Ngân hàng thực sự là một khoa học đòi hỏi các nhân viên có đạo đức nghề nghiệm vững, trình độ học vấn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú…
Mọi đánh giá sai đều dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nguồn vốn của chủ ngân hàng và đánh đổi bằng hiệu quả của rất nhiều dự án khác mới bù đắp được. "Mười đấm có lãi không bằng một cú đạp nợ khó đòi" – đó là câu dằn lòng của các cán bộ tín dụng.
Ngân hàng không thể tự ý áp đặt lãi suất cả đầu ra lẫn đầu vào vì còn các đối thủ cùng ngành trong và ngoài nước cạnh tranh. Người vay cũng không buộc phải chấp thuận bất cứ lãi suất nào nếu như chi phí vốn không bù đắp được sự sụt giảm doanh thu và không có lãi, họ còn có quyền chọn ngân hàng để vay và cả cơ chế thỏa thuận trực tiếp bằng uy tín thương hiệu và độ tín nhiệm với ngân hàng.
Khi hoạt động của nền kinh tế phải chịu mức chi phí vốn đầu vào cao hơn mặt bằng trước đó thì cũng là động lực buộc các chủ đầu tư và doanh nghiệp vay vốn phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay bằng áp dụng công nghệ tiên tiến, bằng cải tiến quản lý nâng cao năng suất và bằng các biện pháp tổng hợp khác để tồn tại và phát triển.
Ngược lại, hoạt động cho vay nặng lãi hầu như là các hoạt động giữa các cá nhân, không được pháp luật công nhận và bảo vệ khi có tranh chấp. Dó đó, cả hai phía: bên cho vay và bên nhận nợ đều vi phạm Luật dân sự và Luật hình sự ngay từ khi phát sinh giao dịch. Và hầu như, các thể nhân tham gia giao dịch trong hoạt động này không đủ kiến thức đánh giá, nghiên cứu nhu cầu và khả năng hòan trả vốn trong các giao dịch này – ít nhất là từ phía người nhận nợ.
Vì thế, nên coi hoạt động ngân hàng là việc thực hiện các hợp đồng kinh tế và được điều chỉnh bằng các văn bản pháp quy về Kinh tế. Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước không phải chỉ đóng vai trò là khống chế trần lãi vay như quan niệm phổ biến mà còn đóng vai trò trong việc bày tỏ thái độ của Nhà nước về cung tiền, xu hướng điều chỉnh chính sách vĩ mô, quy định lãi suất của các nghiệp vụ tài chính khác: lãi suất tái cấp vốn, vay qua đêm, trái phiếu…
Đừng vì cách hiểu cứng nhắc và không đầy đủ về lãi suẩt cơ bản để làm ách tắc luồng lưu chuyển của tiền tệ trong nền kinh tế. Cơ thể của nền kinh tế sẽ yếu và suy kiệt nếu như dòng huyết mạch của nó là luồng tiền bị nghẽn mạch.
SOURCE: TUANVIETNAM.NET
Trích dẫn từ:
http://www.tuanvietnam.net/2010-03-09-lai-suat-va-rui-ro-phap-l