Kute
Tổng số bài gửi : 58 Join date : 20/04/2009
| Tiêu đề: THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THÔNG QUA HÌNH THỨC BÁN VÀ SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM Mon Mar 15, 2010 9:56 pm | |
| THS. BÙI THANH LAM
Hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài được áp dụng khá hiệu quả trên thế giới là thông qua thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thông qua thị trường M&A, nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn hình thức đầu tư: (a) Đóng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới hoặc để tham gia quản lý hoạt động đầu tư, (b) Mua toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp đang hoạt động, (c) Mua cổ phiếu để thâu tóm hoặc sáp nhập doanh nghiệp trên thị trường, (d) hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp ở nước có dự định đầu tư.
Trên thế giới, việc tạo ra môi trường và hành lang pháp lý đồng bộ cho việc thu hút FDI đều được các nước chú trọng, tạo ra những điều kiện tốt nhất cho thị trường M&A phát triển. Với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ USD mỗi năm, thị trường M&A không chỉ là kênh hút vốn của Nhà nước, doanh nghiệp mà còn tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường quốc gia dự định đầu tư một cách nhanh nhất, tiết kiệm được chi phí lớn nhất. Vì vậy, FDI và M&A có mối quan hệ biện chứng, việc hút lượng FDI nhiều hay ít phụ thuộc không nhỏ vào việc thiết lập, vận hành và phát triển thị trường M&A, và ngược lại M&A là giúp cho FDI xâm nhập nhanh nhất vào thị trường, bài viết này xin giới thiệu về một số khía cạnh liên quan đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam.
1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài và mua bán sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam
1.1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài và mua bán sáp nhập doanh nghiệp trên thế giới.
Theo thống kê từ Tổ chức Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNTACD), kể từ năm 2004 đến năm 2006, thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng liên tục, giá trị vốn FDI của năm 2005 trên thế giới là 916,3 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2004, giá trị vốn FDI của năm 2006 đạt trên 1200 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2005, 6 tháng đầu năm 2007, lượng vốn FDI của thế giới cũng đã vượt ngưỡng 700 tỷ USD. Nguồn vốn FDI đi qua nhiều kênh khác nhau, trong đó kênh mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) góp phần quan trọng vào việc gia tăng số lượng và giá trị của lượng FDI trên toàn cầu. Theo những đánh giá của Thomson và PricewaterhouseCoopers’ (PwC) thì tổng giá trị M&A trong năm 2006 đã lên đến gần 3500 tỷ USD với gần 40.000 vụ, xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá đang diễn ra tại các nước phát triển và đang phát triển là những cơ sở quan trọng cho thị trường M&A bùng nổ.
Thống kê của Thomson trong quý 2/2007 cho thấy, tổng giá trị của những vụ M&A trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2007 là trên 2500 tỷ USD với mức tăng trưởng bùng nổ lên đến con số 53%. Giá trị giao dịch M&A của các khu vực trên thế giới đã tăng, khu vực Châu Âu đạt 1056 tỷ USD, khu vực Châu á – Thái Bình Dương đạt 230 tỷ USD, Khu vực Châu Phi, Trung Đông là 28 tỷ USD, Khu vực Châu Mỹ là 1270 tỷ USD, Nhật Bản là 70 tỷ USD Một trong những đánh giá quan trọng của UNTACD là: giá trị FDI gia tăng đột biến trong những năm vừa qua phụ thuộc không nhỏ vào mức độ ngày càng gia tăng của hoạt động M&A, xu hướng M&A qua biên giới ngày càng gia tăng sẽ kéo theo tốc độ gia tăng của FDI, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
1.2. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài và mua bán sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Trong những năm vừa qua, lượng FDI đổ vào Việt Nam khá lớn, tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư tại Việt Nam kể từ năm 2001 đến nay vào khoảng trên 25 tỷ USD và có chiều hướng tăng dần, nếu như năm 2005 lượng vốn đăng ký chỉ đạt 4,2 tỷ USD thì năm 2006 cả nước thu hút được 10,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm trước, tổng số dự án cấp trong 6 tháng đầu năm 2007 là 575 dự án với tổng vốn đầu tư là 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng vốn FDI này chủ yếu được đầu tư thông qua các hình thức đầu tư như thành lập doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 6000 doanh nghiệp FDI), hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc đầu tư thông qua các dự án BOT, BTO và chỉ có một ít vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức M&A do các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt nam đổ vốn đầu tư tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua. Điều này là một thực tế, bởi vì giao dịch M&A ở Việt Nam còn khá mới mẻ, số vụ và giá trị giao dịch M&A còn thấp, kể từ năm 2000 lại đây chỉ đạt trung bình là 20 vụ/năm với giá trị khoảng từ 250 triệu USD/năm, trong đó lượng FDI qua hình thức M&A không được thống kê chính thức nhưng chắc chắn là rất nhỏ.
Trong thời gian vừa qua thị trường M&A đã phát triển nhanh chóng, nếu như trong trong năm 2005 có 18 vụ với tổng giá trị là 61 triệu USD; năm 2006, số vụ M&A là 32 với tổng giá trị là 245 triệu USD thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2007, Việt Nam có 46 vụ M&A đạt giá trị 625 triệu USD (gấp đôi năm 2006 và gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái), có 16 vụ trong nước và 30 vụ có yếu tố nước ngoài, trong đó các công ty nước ngoài mua bán, sáp nhập chủ yếu đến từ các nước Châu á (22 vụ). Những vụ M&A điển hình trong thời gian qua là Công ty cổ phần doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama, Daiichi mua lại Bảo Minh CMG, Kinh Đô mua lại Kem Wall, Anco mua lại nhà máy sữa của Nestle. Theo dự báo của các chuyên gia trong những năm tới sự phát triển của thị trường M&A Việt Nam là một tất yếu sẽ hút thêm được các luồng vốn FDI từ các nước trong và ngoài khu vực cho nền kinh tế Việt Nam.
2. Ưu điểm, nhược điểm của việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
2.1. Ưu điểm:
(i) Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tiếp cận thị trường quốc gia dự định đầu tư một cách nhanh nhất thông qua thị trường có sẵn của các công ty bị mua, bị sáp nhập mà không cần phải bỏ chi phí ban đầu ra để nghiên cứu, tiếp cận thị trường. Ngoài ra, các giá trị khác của công ty bị mua, bị sáp nhập ở quốc gia dự định đầu tư như thương hiệu, thị phần, thị trường, nguồn nhân lực, kinh nghiệm, thiết bị sẽ là những cơ sở, lợi thế kinh doanh quan trọng để nhà đầu tư có được quyết định đầu tư chính xác và có thể đem lại hiệu quả đầu tư cao. Vì vậy, việc nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư thông qua việc mua bán, sáp nhập DN ở quốc gia dự định đầu tư chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế nhất định so với các hình thức đầu tư trực tiếp khác như thành lập doanh nghiệp, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hiện nay, với tư cách là một hình thức tập trung kinh tế, tập trung nguồn lực, đầu tư thông qua M&A sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ, tạo ra một nguồn lực lớn hơn cạnh tranh. Hơn nữa, với sự kết hợp ngoại sinh này sẽ làm cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn trên thế giới tăng thêm sức mạnh trong kinh doanh, cạnh tranh tại một thị trường mới, đồng thời cũng là một sự đảm bảo về uy tín trong kinh doanh cho các công bị bị mua lại, bị sáp nhập. Vì vậy, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, chẳng hạn có một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới như HSBC mua lại 10% của Techcombank, 10% vốn của Bảo Việt, Satra Group mua 1 triệu cổ phiếu với giá 80 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Nam, Daichi mua lại Bảo Minh, APEC Investment đầu tư gần 100 tỷ vào Tập đoàn Hoà Phát là những ví dụ cho thấy xu hướng này đã, đang và sẽ phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong thời gian tới.
(iii) Các Doanh nghiệp bị sáp nhập, bị mua lại sẽ thu được rất nhiều lợi ích thông qua hình thức đầu tư bằng M&A, bởi với nguồn lực tài chính lớn mạnh, thương hiệu, kinh nghiệm quản trị từ bên ngoài được đầu tư trực tiếp vào Doanh nghiệp, thông qua M&A thực hiện được việc tái cấu trúc doanh nghiệp trên nhiều phương diện, làm tăng giá trị của Doanh nghiệp mới sau khi được mua lại, sáp nhập. Chủ sở hữu Doanh nghiệp có thể thu được một khoản lợi ích nhất định, từ việc bán Doanh nghiệp, bán cơ sở kinh doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư thông qua việc mua lại, sáp nhập với các Doanh nghiệp trong nước sẽ mang lại nhiều lợi ích và nâng giá trị của Doanh nghiệp. Bởi vì mặc dù Việt Nam đang có khoảng 250.000 Doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng có đến 97% là Doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn điều lệ chưa vượt quá 3 triệu USD. Nhiều điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam thể hiện trong 6 chữ M của tiếng Anh là Money (Vốn), Machinery (Máy móc, công nghệ), Materials (Nguyên vật liệu), Man Power (Nhân lực), Management (quản trị) và Marketing (Tiếp cận thị trường).
2.2. Nhược điểm:
(i) Trong các vụ đầu tư qua thị trường M&A, nhà đầu tư quan tâm đối với giá trị và hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp mình dự định đầu tư, nhưng thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý không phải là việc dễ đối với các doanh nghiệp đến từ nước ngoài. Hơn nữa, tính minh bạch của các Doanh nghiệp bị mua, bị sáp nhập cũng có thể chưa cao sẽ dẫn đến việc lừa nhau về mặt giá trị, rủi ro pháp lý có thể xảy ra bất cứ khi nào trong thương vụ M&A. (a) Việc thẩm định giá trị của cả công ty mua, sáp nhập và công ty bị mua lại, bị sáp nhập là vấn đề quan trọng, liên quan đến “túi tiền” và lợi ích của cả hai bên, vì rằng, lợi ích là cái mà cả hai bên hướng tới. Thông thường, cả hai bên trong thương vụ M&A đều có cách đánh giá lẫn nhau về giá trị công ty mục tiêu và thường là đi ngược nhau trong việc đánh giá này. Do đó, kiểm toán viên, thẩm định viên về tài sản có vị trí quan trọng ở khâu này để đưa ra một mức giá khách quan, trung thực đáp ứng được mong mỏi của cả hai bên. Trên thế giới, có một số phương thức thẩm định giá trị công ty như tỷ suất P/E, tỷ suất giá trị doanh nghiệp trên doanh thu (EV/Sales), chi phí thay thế (M&A dựa trên việc cân nhắc yếu tố chi phí để thiết lập một công ty từ đầu so với một công ty có sẵn), phương pháp chiếu khấu dòng tiền (DCF) (b) Thẩm định hồ sơ pháp lý của hai bên trong một thương vụ M&A cũng không phải là việc dễ, bởi vì ngoài việc thẩm định các hồ sơ hiện hữu, kiểm soát được các quyền và nghĩa vụ liên quan, người thẩm định còn phải dự liệu các rủi ro pháp lý có thể xảy ra thời kỳ “hậu” M&A. Vì vậy, cần phải có sự tham vấn, tư vấn từ luật sư chuyên nghiệp về M&A cho việc thẩm định hồ sơ pháp lý.
(ii) Do M&A là một hình thức tập trung kinh tế, do đó nếu nhà đầu tư nước ngoài không nghiên cứu kỹ pháp luật cạnh tranh, chống độc quyền cho thương vụ đầu tư bằng hình thức M&A, thì nó có thể rơi vào (a) trường hợp cấm thực hiện các hành vi tập trung kinh tế (trong đó có M&A) nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia M&A chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ sau khi M&A vẫn là Doanh nghiệp nhỏ và vừa, (b) trường hợp phải có nghĩa vụ thông báo trước cho Cục quản lý cạnh tranh nếu việc đầu tư bằng M&A có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan, trừ sau khi M&A vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu vi phạm các quy định đó, doanh nghiệp đầu tư thông qua M&A có thể sẽ phải chịu các hình thức xử lý, các biện pháp của pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, và có thể bị khởi kiện bất cứ khi nào. Đây chính là một nhược điểm lớn của hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài qua thị trường M&A.
(iv) Sự am hiểu về văn hoá, phong tục, thị trường, pháp luật Việt Nam còn ít, do đó nhiều vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình M&A. Việc giải quyết các vấn đề hậu M&A có thể là một cản trở đối với việc hút vốn qua kênh đầu tư này như giảm nhân viên, giảm lương, đào tạo lại, sắp xếp, thuyên chuyển…
3. Hành lang pháp lý về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam
Để tạo ra một hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nước cũng như Việt Nam đều phải có những thay đổi về mặt chính sách như việc áp dụng các nguyên tắc, tập quán quốc tế về sự bình đẳng, công bằng.. trong kinh doanh nói chung, đầu tư nói riêng. Đồng thời đặt ra các hình thức, điều kiện, lĩnh vực, khu vực khuyến khích, hạn chế thu hút đầu tư, trong đó có việc tạo hành lang pháp lý ghi nhận hình thức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2006, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam công bố ngày 15/09/2007 vừa qua thì tính đến hết năm 2006 chúng ta có 253.130 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Những năm vừa qua, để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và xu thế hội nhập, nhiều đạo luật quan trọng liên quan đã được ban hành. Chẳng hạn Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 việc ban hành các đạo luật nói trên đã đáp ứng được nhu cầu xác lập vị trí pháp lý, điều tiết các quan hệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài của các loại doanh nghiệp nói chung, trong đó có M&A nói riêng. Trước khi có Luật đầu tư năm 2005, hoạt động đầu tư FDI thông qua M&A được quy định trong một số điều khoản, M&A các doanh nghiệp tư nhân (Điều 103 Luật Doanh nghiệp 1999), M&A các doanh nghiệp nhà nước trong Nghị định 103/1999/NĐ-CP; Nghị định số 80/2005/NĐ-CP của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh Doanh nghiệp nhà nước Hiện nay, giao dịch M&A được Luật Doanh nghiệp ghi nhận, tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cho phép các chủ doanh nghiệp được quyền định đoạt doanh nghiệp trong việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất (Điều 145, Điều 152, Điều 153 Luật Doanh nghiệp).
Luật Đầu tư năm 2005 đã kế thừa và ghi nhận M&A là một hình thức đầu tư quan trọng, cụ thể: “Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp” như một trong những hình thức đầu tư trực tiếp, dưới các hình thức:
(i) Đóng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới hoặc để tham gia quản lý hoạt động đầu tư,
(ii) Mua toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp đang hoạt động,
(iii) Mua cổ phiếu để thâu tóm hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Mặc dù hành lang pháp lý liên quan đến M&A còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, thống nhất, tuy nhiên những quy định pháp luật hiện hành là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường M&A nói chung, thu hút FDI qua thị trường M&A nói riêng. Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận M&A là một hình thức đầu tư, mà còn phải xây dựng được các quy định điều tiết các vấn đề cụ thể, đặt trong mối quan hệ giữa luật đầu tư với pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán. Có như vậy hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hình thức M&A mới đạt được hiệu quả cao, đồng thời giải đáp được các vấn đề thị phần, thị trường, giới hạn, tỷ lệ phần trăm vốn mà nhà đầu tư đặt ra khi dự định đầu tư vào một doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức này.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 1 NĂM 2008 | |
|