Đáy của thị trường: Dấu hỏi lớn khó trả lời
Thứ bảy, 21/2/2009, 17:01 GMT+7
Điều đáng nói nhất về thị trường trong vài ngày qua là việc mỗi ngày VN-Index lại tạo một đáy mới khi NĐT cá nhân hầu như mất phương hướng. Chặng dừng chân của VN-Index là dấu hỏi lớn khi vẫn còn đó những thông tin xấu tác động đến thị trường: danh sách các công ty thua lỗ và bị đưa vào diện kiểm soát nhiều khả năng chưa dừng lại ở con số 12; khó khăn của nền kinh tế và các DN còn ở phía trước; TTCK quốc tế đi xuống kéo theo sự đồng biến về mặt tâm lý của NĐT trong nước…
Tháng 10/2008, khi có mặt tại Việt Nam, ông Ken Tai Chee Ming, chuyên gia phân tích kỹ thuật (PTKT) chứng khoán của Tập đoàn Kim Eng đưa ra dự báo gây sốc: "VN-Index sẽ phá đáy 366 điểm hồi mùa hè và giảm ít nhất thêm 20%". Dự báo nhận được khá nhiều hoài nghi vì khi đó, VN-Index đang là 430 điểm và phần lớn dự báo khác đều thiên về kịch bản cuối năm 2008 VN-Index sẽ ở ngưỡng 550 điểm.
Trở lại Việt Nam lần này, vị chuyên gia PTKT nói trên vẫn trung thành với nhận định cũ: "Theo mô hình vai - đầu - vai, sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh 300 điểm, mục tiêu tiếp theo của VN-Index là 259 điểm. VN-Index nhiều khả năng sẽ đi xuống các mức thấp hơn với mức hỗ trợ trong dài hạn hiện nay là 221 điểm. Đây là ngưỡng hỗ trợ rất mạnh và thị trường nhiều khả năng đi lên tại ngưỡng này". Quan điểm của ông Ken Tai cũng giống với chuyên gia PTKT Christopher Blank của CTCK HSC: "Hãy chờ đến khi VN-Index về ngưỡng 220 điểm và xem điều gì sẽ xảy ra?".
Tuy nhiên, dự báo của các tổ chức trong nước thiên về kịch bản lạc quan hơn. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), thị trường sẽ có những đợt tăng, giảm thất thường từ cuối quý II, nhưng sẽ dần đi vào ổn định và tăng trưởng từ cuối quý III. Từ hai kịch bản chính của nền kinh tế, BVSC nghiêng về việc VN-Index sẽ dao động quanh mức 420 điểm vào thời điểm cuối năm. Dự báo này cũng gần giống kết quả trong báo cáo "Chu kỳ kinh tế và chu kỳ TTCK Việt Nam" của CTCP RAV rằng, VN-Index cuối năm 2009 sẽ ở mức 406 điểm. Cách tiếp cận của RAV dựa vào việc phân tích chu kỳ kinh tế (từ năm 1997 tới cuối năm 2008) và sóng Elliot của VN-Index (từ năm 2000 đến cuối năm 2008).
Theo báo cáo phân tích thị trường "Thách thức và chiến lược đầu tư năm 2009" của CTCK VNDirect, qua thống kê 22 lần suy thoái kinh tế Mỹ từ năm 1900 tới nay, có tới 19 lần TTCK phục hồi trước khi suy thoái kinh tế chạm đáy với thời gian trung bình 3 - 6 tháng. Khá nhiều dự báo hiện nay xác định sự phục hồi của TTCK sẽ dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế với giả định nền kinh tế phục hồi vào khoảng cuối năm 2009 và TTCK (có tính chất dự báo) sẽ phục hồi trước đó từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng bộ phận phân tích CTCK SMES cho rằng, điều kiện thị trường xác lập đáy chỉ khi đã xuất hiện những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, cụ thể nhất là báo cáo tài chính của DN trong những quý tới. Chừng nào hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN chưa được cải thiện, khi đó TTCK khó tạo đáy. Bên cạnh đó, việc tạo đáy của thị trường phải gắn với sự tham gia của một lực lượng NĐT nào đó mang tính kích cầu đủ mạnh để thị trường tạo ra sự đổi chiều. Sự tham gia này cũng chỉ có thể đến được nếu có sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế. Nhìn lại diễn biến trong quá khứ, với mỗi đợt VN-Index tăng mạnh, việc kích cầu hầu như nhờ vào khối ngoại, có thể do họ có kinh nghiệm, có tầm nhìn, có nhận định toàn cảnh chính xác hơn. Theo ông Lân, sắp tới khối nội sẽ có "đại diện", nhưng khối ngoại vẫn đóng vai trò chính.
Trong năm 2008, số dự báo đúng chỉ đếm trên đầu ngón tay, áp lực vì thế càng đặt nặng trên vai giới phân tích trong năm 2009. Tuy nhiên, thà có nhiều dự báo (dù không hy vọng tất cả đều chính xác) để NĐT tham khảo, còn hơn là có quá ít hoặc không có gì!
(Nguồn: ĐTCK, 21/2)