7 việc cần làm của thị trường chứng khoán VN
(VietnamNet) 25/02/2009 15:37 (GMT + 7)
Để thị trường tiếp tục hoàn thiện và phát triển, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết, đặc biệt với thị trường còn non trẻ như thị trường Việt Nam. Xin đề xuất 7 việc cần làm năm 2009 của TTCK Việt Nam.
1. Quản lý tài khoản tiền gửi và chứng khoán
Việc tách bạch tiền gửi hoàn toàn khỏi công ty chứng khoán hiện mới thực hiện được tại 77 công ty chứng khoán. Việc tách bạch tới từng nhà đầu tư riêng lẻ, từng nhà đầu tư có tài khoản tiền riêng tại ngân hàng là cần thiết. Việc tách riêng lưu ký tới từng nhà đầu tư các cổ phiếu cần có cũng sẽ là cần thiết trong thời gian tới. Chỉ có vậy thì nếu bất cứ công ty chứng khoán nào phá sản hoặc sát nhập, tài sản của nhà đầu tư mới được bảo đảm không bị mất mát.
Nhà đầu tư có được mở nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán hay không còn là câu hỏi còn để ngỏ cần trả lời.
2. Thời gian Giao dịch trong ngày
Kéo dài thời gian giao dịch từ chỉ buổi sáng lên cả buổi chiều là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hạ tầng hiện có. Muốn giao dịch cả ngày, cả một quá trình chuẩn bị với nhiều việc sẽ cần tiến hành. Sẽ có rất nhiều sự thay đổi trong chu trình hoạt động cũng như đòi hỏi sự đầu tư công nghệ thông tin mạnh tại các công ty chứng khoán và các bên liên quan (Lưu ký, Ngân hàng, nhà đầu tư). Hơn lúc nào hết, UBCKNN cần có sự chuẩn bị sẵn sang từ bây giờ, có lộ trình cụ thể.
Khó khăn cho việc thực hiện điều này nằm ở cả phía công ty chứng khoán lẫn các sở giao dịch và các cơ quan liên quan. Buổi chiều hiện tại thông thường là các hoạt động chỉnh sửa lại các hoạt động còn thiếu sót vào buổi sang, cũng như các hoạt động OTC và gia tăng khác.
3. Quy chế phá sản và sát nhập các công ty chứng khoán cần thiết phải được hướng dẫn cụ thể. Với hơn 100 công ty chứng khoán trên một thị trường quá nhỏ của Việt Nam, sát nhập, phá sản các công ty chứng khoán là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.
Năm 2009 sẽ là năm bản lề cho việc sắp xếp lại các công ty chứng khoán.
4. Thời gian T+4 cần được rút ngắn
Hiện tại thời gian để một nhà đầu tư thông thường có thể bán được chứng khoán mua về là T+4 (phiên thứ 4 sau khi mua chứng khoán). Đây là khoảng thời gian quá dài so với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Thời gian dài cũng có nghĩa là rủi ro nhiều cho nhà đầu tư (rủi ro cổ phiếu chưa về mà thị trường đã đảo chiều đi xuống), mà nếu thị trường càng rủi ro, nhà đầu tư càng rụt rè, quy mô giao dịch càng giảm.
5. Phát triển thị trường UPCOM
Thị trường GDCK công ty đại chúng chưa niêm yết UPCOM sẽ được triển khai trong năm 2009. Ở nhiều quốc gia, thị trường dưới cấp dành cho các chứng khoán chưa niêm yết là bộ phận rất quan trọng của thị trường tài chính. Với trên 1000 công ty đại chúng đăng ký với UBCKNN, thị trường này hứa hẹn lượng hàng hoá dồi dào. Sẽ có nhiều vấn đề phát sinh khi thị trường này đi vào hoạt động, những vấn đề nhiều khi không nằm trong tầm dự tính của cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều câu hỏi đặt ra liệu sàn UPCOM có hấp dẫn các công ty đại chúng và các nhà đầu tư như đối với mô hình thị trường trước khi có UPCOM hay không, việc quy định quá chặt chẽ có khi lại hạn chế sự phát triển của thị trường này…
6. Quy chế công bố công thông tin
Nhà đầu tư hiện nay càng ngày càng thấy đói thông tin. Họ cần những thông tin đầy đủ chính xác, đặc biệt là từ các công ty niêm yết. Nếu so sánh các loại báo cáo của công ty niêm yết trên thị trường Mỹ hay châu Âu với thị trường Việt Nam ta sẽ thấy các công ty niêm yết thiếu trách nhiệm thế nào trong việc cung cấp và diễn giải thông tin.
Những vụ việc như Bông Bạch Tuyết gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trung thực và tôn trọng cổ đông của các công ty niêm yết và chưa niêm yết. Quy chế xử phạt cần nghiêm khắc hơn để đưa các công ty chứng khoán, các công ty đại chúng vào khuôn khổ.
Thông tin về người nước ngoài bán trên sàn HOSE chưa thấy có. HOSE và HASTC nên cung cấp nhiều hơn nữa về giao dịch trên sàn cho các công ty chứng khoán, từ đó cung cấp cho nhà đầu tư
7. Chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh là sản phẩm tất yếu của thị trường chứng khoán, vì nhu cầu cho các loại chứng khoán này sớm muộn sẽ ra đời, đặc biệt là nhu cầu phòng ngừa rủi ro. Thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam còn quá sơ khai, đặc biệt là thiếu các quy định pháp luật và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thị trường này.
Những sản phẩm sơ khởi nhất như mua khống bán khống hay mua bán hợp đồng tương lai là những sản phẩm tất yếu của một thị trường tài chính phát triển. Việt Nam trong giai đoạn trước mắt, theo các chuyên gia, nên bắt đầu triển khai.
Trần Long