Theo dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2 năm 2009. Hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong giai đoạn này là kết quả kinh doanh và diễn biến nợ xấu.
Gần như các chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực chứng khoán cùng chung nhận định về sự khó khăn đối với thị trường chứng khoán trong năm 2009, tuy nhiên, mỗi người lại nhìn thấy một cơ hội khác nhau từ khó khăn chung này.
Thị trường khó có động lực tăng trưởng mạnh:
Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vào quý 4/2008 không tốt, tăng trưởng chậm có thể còn tiếp diễn cho đến ít nhất là quý 1/2009.
Chính phủ đã có những biện pháp nhanh và quyết liệt để chặn đà suy giảm kinh tế nhưng hiệu quả của các biện pháp đó vẫn là câu hỏi bởi Việt Nam chưa có kinh nghiệm để giải quyết một vấn đề tương tự và hệ thống quản lý của Việt Nam chưa thực sự minh bạch.
Năm 2009 sẽ vẫn là một năm nhiều khó khăn của Việt Nam và tăng trưởng kinh tế sẽ khó đạt được mức 6,5% như mục tiêu của Quốc hội đã đề ra.
Thiếu một nền tảng tốt, thị trường chứng khoán sẽ khó có động lực tăng trưởng mạnh”.
3 giai đoạn đáng chú ý năm tới:
“Thị trường chứng khoán trong năm 2009 có thể diễn biến tích cực khi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thực sự phát huy tác dụng và nhìn thấy dấu hiệu hồi phục kinh tế.
Theo dự báo, kinh tế vĩ mô có khả năng hồi phục vào giai đoạn nửa cuối năm 2009, thị trường chứng khoán có thể đi qua điểm xấu nhất tại thời điểm trước đó và có sự hồi phục sớm hơn.
Trong ngắn hạn, trước khi đi qua đáy vào thời điểm tháng 2-4/2009, thị trường có thể có một đợt sụt giảm khi chưa nhìn thấy tín hiệu hồi phục của kinh tế vĩ mô.
Dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có ba giai đoạn chính trong năm 2009:
-Giai đoạn khó khăn:
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2 năm 2009. Hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong giai đoạn này là kết quả kinh doanh và diễn biến nợ xấu.
Dự báo kết quả kinh doanh sẽ xấu nhất tại một số ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi tình hình vĩ mô như công nghệ, viễn thông, công nghiệp, bất động sản, dịch vụ tiêu dùng, tài chính và ngân hàng. Kết quả kinh doanh này sẽ được thể hiện trong quý 1/2009.
Ngoài ra, câu hỏi lớn về dư nợ bất động sản cũng như rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ được giải quyết ở thời điểm cuối quý 1/2009, do 15% tăng trưởng tín dụng của năm 2008 được giải ngân vào thời điểm tháng 1-3.
Nhiều khả năng thị trường sẽ phản ứng khá tiêu cực vào thời điểm này và VN-Index có thể sẽ dao động xung quanh mức 300-400 điểm, tất nhiên cũng không loại trừ khả năng các nhà đầu tư phản ứng thái quá và đẩy VN-Index xuống mức dưới 300.
Với mức điểm này chỉ số P/E toàn thị trường sẽ ở mức 7-10 lần.
-Giai đoạn phục hồi:
Sau khi các rủi ro chính của nền kinh tế Việt Nam đã được giải quyết, ảnh hưởng từ thị trường thế giới không còn quá tiêu cực, nhiều khả năng thị trường sẽ đi vào giai đoạn phục hồi.
Trong giai đoạn này thị trường sẽ không tăng mạnh, tuy nhiên đây sẽ là giai đoạn thị trường chứng khoán thu hút lại sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch thường tăng mạnh trong giai đoạn này.
Trong quá khứ, thị trường chứng khoán luôn đi trước nền kinh tế vĩ mô, do đó nhiều khả năng thị trường sẽ đi vào giai đoạn tăng nhẹ và VN-Index sẽ dao động xung quanh ngưỡng 400-500 điểm trong cuối quý 2 và 3.
Với mức này P/E toàn thị trường sẽ ở mức 10-13 lần.
-Giai đoạn tăng trưởng ổn định:
Gần thời điểm quý 3, 4 năm 2009, khi nền kinh tế thế giới cũng như là Việt Nam bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bắt đầu có các dấu hiệu khả quan, tuy nhiên sẽ chỉ có một số ngành được cải thiện.
Nhiều khả năng thị trường sẽ sôi động trở lại trong giai đoạn này và VN-Index sẽ dao động xung quanh mức 500-600 điểm.
Với mức này P/E toàn thị trường sẽ dao động xung quanh mức 13-15 lần (dựa trên EPS 2008).
Đây sẽ là mức phản ánh chính xác tiềm năng của nền kinh tế cũng như khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tương lai”.
Kỳ vọng sự phục hồi vào quý 3-4:
Nhìn về năm 2009, đại đa số chúng ta đều có chung cảm nhận lạc quan hơn. Dường như những gì là tồi tệ nhất đã diễn ra trong năm 2008 và năm 2009 sẽ bắt đầu hồi phục để lấy đà tăng trưởng bền vững cho giai đoạn 2010-2015.
Tại thời điểm này, chúng ta chưa kỳ vọng nhiều bởi lẽ thị trường chứng khoán có tốt lên hay không phải nhìn vào thực lực tăng trưởng của nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng của các công ty đang niêm yết.
Nhưng nền kinh tế của chúng ta đã hội nhập khá sâu khi mà kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 160% GDP và có đến 40% giá trị xuất nhập khẩu do các doanh nghiệp FDI mang lại.
Vì vậy thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào sự phục hồi nhanh hay chậm của nền kinh tế bên ngoài.
Khả năng cao là thị trường chứng khoán phải trải qua giai đoạn thăm dò kết quả kinh doanh quý 4/2008 của các công ty niêm yết và thận trọng với những dự đoán điểm đáy của nền kinh tế thế giới - có lẽ rơi vào quý 1/2009.
Cùng với độ trễ của chính sách tiền tệ linh họat và kích cầu tiêu dùng - đầu tư, VN có thể kỳ vọng về sự tốt lên của thị trường chứng khoán vào quý 3-4 năm 2009.
Kỳ vọng thì nhiều nhưng việc có ý nghĩa thiết thực nhất giúp ích nhiều nhất cho nhà đầu tư chứng khoán hạn chế rủi ro chính là sự minh bạch của các chính sách thực thi, quy tắc và thể chế điều hành thị trường; minh bạch, bình đẳng, công bằng và kịp thời các thông tin công bố của doanh nghiệp niêm yết mà điều này cho thấy có ít sự tiến bộ trong năm 2008”.